Hiện nay do giá cao su khá cao nên một số hộ dân đã đem cây cao su về trồng trên đất ruộng lúa. Để trồng được cao su, người trồng phải đắp mô, lên luống, đào mương cho nước chảy để đất thoát nước, bón vôi hạ phèn, giảm độ chua… Ngoài ra các hộ trồng cao su trên đất lúa còn tăng cường chăm sóc, bón phân, nói chung là đầu tư mạnh cho cây cao su bằng nhiều biện pháp.
Trong một, hai năm đầu, do được chăm sóc tốt, hệ rễ cao su còn cạn, chưa ăn sâu vì thế cây cao su phát triển tốt, thậm chí còn phát triển hơn mức bình thường do được người trồng chăm sóc kỹ lưỡng.
Nhưng về lâu dài thì sao?
Trước hết, theo khuyến cáo của ngành cao su thì đất trồng cao su phải đáp ứng được các điều kiện: tầng đất dày từ 1m trở lên, dưới tầng đất không có hoặc rất ít đá tảng, đá ong, hoặc kết von; đất có độ PH từ 4,5-5,5, chiều sâu mực nước ngầm không dưới 100 cm, có khả năng thấm và tiêu nước nhanh, nếu có ngập thì cũng nhanh chóng rút trong thời gian rất ngắn.
Cây cao su là cây trồng cạn, không chịu úng. Hiện cũng chưa có giống cao su chịu úng và cũng không có cơ quan nào nghiên cứu chọn tạo giống cao su chịu úng.
Đất ruộng lúa có tầng đất cạn, nước nhiều, chua phèn không đảm bảo yêu cầu trồng cây cao su.
Cho đến nay, chưa có ruộng cao su nào trồng được lâu, mới chỉ 1-2 năm. Rễ cây cao su còn ngắn và nhỏ, có thể giúp cây bám trụ đứng vững trên đất ruộng, ảnh hưởng của mạch nước ngầm đối với hệ rễ cao su còn thấp. Nhưng đến thời kỳ cây cho khai thác thì rễ cây đụng phải tầng nước ngầm cạn ở dưới nên không thể ăn sâu và phát triển ra xung quanh được từ đó cây sinh trưởng chậm lại. Mùa nắng, tầng nước ngầm ở sâu thì rễ có thể đâm sâu xuống nhưng vào mùa mưa, mực nước ngầm dâng lên làm phần rễ bị ngập có thể bị chết. Từ đó hệ rễ cao su yếu trong khi đất ruộng xốp, không chắc chắn nên gặp mưa gió cây sẽ bị bị đổ ngã.
Mặt khác trong mùa mưa, nước nhiều, cây cao su không sống và phát triển được trong vùng nước ngập lâu ngày, nếu áp dụng các biện pháp thuỷ lợi như đào vét mương chảy, sử dụng máy bơm thì khá tốn kém.
Còn về chất lượng và sản lượng mủ thì hiện nay chưa biết do cây cao su trồng trên đất ruộng chưa cho khai thác. Tuy nhiên, thiết nghĩ, do dư lượng nước nên chắc chắn hàm lượng mủ sẽ thấp.
Việc phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên làm giàu từ cây cao su của người dân là hợp lý, tuy nhiên để đảm bảo có thu nhập từ cây cao su thì không thể trồng trên đất ruộng lúa như hiện nay được. Bà con nông dân cần thận trọng, không khéo sẽ hao phí tiền của đầu tư nhưng hiệu quả đầu tư không có, khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét